TCVN 7026:2013 (ISO 7165:2009) Chữa cháy – Bình chữa cháy xách tay – Tính năng và cấu tạo
1. TCVN 7026:2013 là gì?
Tiêu chuẩn TCVN 7026:2013 là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu chính để đảm bảo an toàn, độ tin cậy và tính năng của bình chữa cháy xách tay.
2. Công bố TCVN 7026:2013
TCVN 7026:2013 do Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC21 Thiết bị PCCC biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ KH&CN công bố.
TCVN 7026:2013 này thay thế TCVN 7026:2002 (ISO 7165:1999). TCVN 7026:2013 hoàn toàn tương đương so với ISO 7165:2009.
Cơ quan ban hành: | Bộ KH&CN | Số công báo: | 3335/QĐ-BKHCN |
Số hiệu: | 7026:2013 | Ngày đăng công báo: | 30/10/2013 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Quốc gia | Người ký: | Đang cập nhật |
Ngày ban hành: | 30/10/2013 | Ngày có hiệu lực: | 30/10/2013 |
Lĩnh vực: | Phòng cháy chữa cháy | Tình trạng hiệu lực: | Đang còn hiệu lực |
3. Tải về TCVN 7026:2013
Tải về miễn phí TCVN 7026 2013 bản [PDF + WORD]. Nhấn [TẢI VỀ] phía bên dưới.
4. Tải về TCVN 7026:2002
TCVN 7026:2002 đã hết hiệu lực và bị thay thế bằng TCVN 7026:2013. Tuy nhiên Quý khách hàng/bạn đọc muốn xem lại bản cũ này thì PCCC Thành Phố Mới sẽ để link tải về ngay bên dưới.
Tải về bản [PDF + WORD]. Vui lòng nhấn [TẢI VỀ] để tải xuống tài liệu này.
5. Nội dung TCVN 7026:2013
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7026:2013
ISO 7165:2009
CHỮA CHÁY – BÌNH CHỮA CHÁY XÁCH TAY – TÍNH NĂNG VÀ CẤU TẠO
Fire fighting – Portable fire extinguishers – Performance and construction
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chính để đảm bảo an toàn, độ tin cậy và tính năng của bình chữa cháy xách tay.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho bình chữa cháy đã nạp đầy có khối lượng tổng lớn nhất là 20 kg. Cho phép chấp nhận các bình chữa cháy có khối lượng tổng đến 25 kg khi được nạp đầy.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản đã nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (bao gồm cả các sửa đổi).
- TCVN 4878 (ISO 3941), Phân loại đám cháy.
- TCVN 6100 (ISO 5923), Phòng cháy chữa cháy – Chất chữa cháy – Cacbon đioxit.
- TCVN 6102 (ISO 7202), Phòng cháy – Chất chữa cháy – Bột.
- TCVN 7828 (ISO 7203) (Tất cả các phần), Chất chữa cháy. Chất tạo bọt chữa cháy.
- ISO 3130, Wood – Determination of moisture content for physical and mechanical tests (Gỗ – xác định hàm lượng ẩm cao cho các thử nghiệm vật lý và cơ học).
- ISO 4672 : 1997, Rubber and plastic hoses – Sub-ambient temperature flexibility tests (Các ống mềm bằng cao su và chất dẻo – Thử nghiệm tính mềm dẻo ở nhiệt độ môi trường xung quanh).
- ISO 4892-2:2006, Plastic – Methods of exposure to laboratory light sources – Part 2: Xenon – Arc lamps (Chất dẻo – Phương pháp phơi ra nguồn sáng phòng thí nghiệm – Phần 2: Đèn hồ quang, xenon).
- ISO 9227 Corrosion test in artificial atmosphere – Salt spray tests (Thử ăn mòn trong môi trường nhân tạo – Thử phun muối).
- ISO 14520 (tất cả các phần) Gaseous fire – extinguishing systems – Physical properties and system design (Hệ thống chữa cháy bằng khí – Tính chất vật lý và kết cấu của hệ thống).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Lô (Batch)
Nhóm các sản phẩm cùng loại được chế tạo trên cùng một dây chuyền sản xuất khi sử dụng cùng một loại vật liệu trong một ca sản xuất.
3.2. Tầm phun xa (bulk range)
Tầm phun của một bình chữa cháy khi 50% chất chữa cháy của bình đã được phun.
3.3. Lượng nạp của bình chữa cháy (charge of extinguisher)
Khối lượng hoặc thể tích của chất chữa cháy chứa trong bình chữa cháy được biểu thị bằng thể tích (lít) đối với các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước và bằng khối lượng (kilogram) đối với các bình chữa cháy khác.
3.4. Phân loại đám cháy (classification of fires)
Sự phân loại đám cháy dựa trên các đặc tính được cho trong 3.4.1 đến 3.4.5. Xem TCVN 4878 (ISO 3941).
3.4.1. Loại A (class A)
Đám cháy các chất rắn (thông thường là các chất hữu cơ) khi cháy thường kèm theo sự tạo ra than hồng.
3.4.2. Loại B (class B)
Đám cháy của các chất lỏng hoặc chất rắn hóa lỏng
3.4.3. Loại C (class C) Đám cháy của các chất khí.
3.4.4. Loại D (class D)
Đám cháy của kim loại.
3.4.5. Loại F (class F)
Đám cháy của thực phẩm (thực vật hoặc dầu và mỡ động vật) trong các dụng cụ nấu nướng.
3.5. Chất chữa cháy sạch (clean agent)
Chất chữa cháy thể khí hoặc thể lỏng bay hơi không dẫn điện, không để lại cặn khí bay hơi.
3.6. Sự phun hết (complete discharge)
Điểm trong quá trình phun của một bình chữa cháy khi áp suất bên trong bình cân bằng với áp suất bên ngoài với van điều khiển được mở hoàn toàn.
3.7. Bình chữa cháy không nạp lại được (discharge extinguisher, non – rechargeable extinguisher)
Bình chữa cháy được thiết kế để không nạp lại được tại hiện trường hoặc tại nhà máy chế tạo mà phải loại bỏ sau khi sử dụng.
3.8. Thời gian phun có hiệu quả (effective discharge time)
Thời gian từ khi bắt đầu phun chất chữa cháy tại vòi phun tới điểm hóa khí của dòng phun với van điều khiển được mở hoàn toàn.
3.9. Chất chữa cháy (extinguishing medium)
Chất chứa trong bình chữa cháy dùng để dập tắt đám cháy
3.10. Hệ số nạp (fill density)
Khối lượng nạp tính bằng kilôgam của chất chữa cháy trên một lít dung tích của bình chữa cháy được lắp đặt hoàn chỉnh với đầy đủ các van và phụ tùng bên trong để sử dụng.
3.11. Bình chữa cháy (fire extinguisher)
Thiết bị dùng để chứa chất chữa cháy có thể phun và hướng chất chữa cháy vào đám cháy bằng tác động của áp suất bên trong. việc phun chất chữa cháy có thể được thực hiện bằng
– Khí đẩy nén trực tiếp trong bình (áp suất bên trong bình chứa chất chữa cháy không đổi).
– Hoạt động của chai khí đẩy (sự tăng áp tại thời điểm sử dụng bằng cách giải phóng khí có áp trong một chai chứa riêng có áp suất cao).
3.12. Điểm hóa khí (gas point)
Điểm mà ở đó môi chất được phun ra thay đổi từ trạng thái chủ yếu là lỏng sang trạng thái chủ yếu là khí
3.13. Mức tác động có hại thấp nhất quan trắc được (lowest observable adverse effect level – LOAEL)
Nồng độ thấp nhất tại đó quan trắc được tác động có hại đến sinh lý hoặc tác động độc hại
3.14. Áp suất làm việc lớn nhất (maximum service pressure)
Pms
Áp suất cân bằng trong một bình chữa cháy được nạp và nén một cách bình thường và được ổn định hóa ở 60 oC trong thời gian ít nhất là 18 h.
3.15. Bình chữa cháy xách tay (portable fire extinguisher)
Bình chữa cháy được thiết kế để mang và vận hành bằng tay và khi làm việc có khối lượng không lớn hơn 20 kg.
CHÚ THÍCH: Cho phép chấp nhận các bình chữa cháy có khối lượng tổng đến 25 kg khi được nạp đầy.
3.16. Áp kế (pressure gauge)
Dụng cụ chỉ áp suất trong chai (khí đẩy) và phạm vi áp suất làm việc của bình chữa cháy dựa trên quan hệ nhiệt độ làm việc – áp suất.
CHÚ THÍCH: Mặt áp kế được ghi các đơn vị thích hợp.
3.17. Dụng cụ chỉ báo áp suất (pressure indicator)
Dụng cụ chỉ báo rằng bình chữa cháy được nén ở áp suất định mức của khí đẩy trung bình.
3.18. Khí đẩy (propellant)
Khí nén không cháy được dùng để đẩy chất chữa cháy.
3.19. Bình chữa cháy nạp lại được (rechargeable extinguisher) Bình chữa cháy được thiết kế để nạp lại sau khi sử dụng.
3.20. Áp suất làm việc (service pressure)
Ps
Áp suất cân bằng trong một bình chữa cháy được nạp và nén một cách bình thường và được ổn định hóa ở 20oC trong thời gian ít nhất là 18 h.
3.21. Hóa chất làm ẩm (wet chemical)
Các chất hóa học bao gồm, nhưng không hạn chế, các dung dịch có nước của kali axetat, kali cacbonat, kali nitrat hoặc hỗn hợp của các vật liệu này.
4. Phân loại bình chữa cháy
Các bình chữa cháy phải được phân loại theo loại chất chữa cháy chứa trong bình. Hiện nay có các loại bình chữa cháy chủ yếu sau:
a) Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước (Bình nước chữa cháy).
b) Bình chữa cháy dùng bột chữa cháy (Bình bột chữa cháy).
c) Bình chữa cháy dùng cacbon đioxit (Bình CO2 chữa cháy).
d) Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy sạch (Bình khí / lỏng sạch chữa cháy).
Các loại bình chữa cháy này có thể được phân loại nhỏ thêm nữa, ví dụ các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước có thể chứa nước nguyên chất hoặc nước có các chất phụ gia như các chất làm ướt, các chất làm tăng độ nhớt, chất ức chế cháy, các chất tạo bọt, hóa chất làm ẩm vv…Các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước, bao gồm cả chất tạo bọt, có chứa các loại chất làm dịu có điểm đông đặc khác nhau phải được xem là các mẫu (model) riêng và khác biệt cho thử nghiệm đánh giá đám cháy và thử nghiệm phạm vi nhiệt độ làm việc, độ dẫn điện vv… Tất cả các yêu cầu khác liên quan đến thiết kế và cấu tạo các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước đều áp dụng được cho tất cả các mẫu bình chữa cháy khác bất kể là dùng chất chữa cháy nào.
5. Chất chữa cháy, khí đẩy và yêu cầu về nạp
5.1. Chất chữa cháy
5.1.1. Cac bonđioxit
Cacbon đioxit dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với TCVN 6100 (ISO 5923).
5.1.2. Chất chữa cháy sạch
Chất chữa cháy sạch dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với phần thích hợp của TCVN 7161 hoặc ISO 14520 hoặc phải theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
CHÚ THÍCH: Việc sản xuất và sử dụng các chất chữa cháy sạch theo các quy định của nhà nước.
5.1.3. Bột
Bột dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với TCVN 6102 (ISO 7502).
5.1.4. Chất tạo bọt đậm đặc
Chất tạo bọt đậm đặc dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với phần thích hợp của TCVN 7278 (ISO 7203).
CHÚ THÍCH: Chưa có tiêu chuẩn quốc tế về các chất phụ gia không tạo bọt đôi khi được bổ sung vào nước để tạo ra các đặc tính chống đông, thấm ướt hoặc các đặc tính đặc biệt khác. Tuy nhiên các bình chữa cháy này được bao gồm trong các loại bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước.
5.1.5. Chất chữa cháy gốc nước
Khi chất chữa cháy có độ pH vượt qua 9,5, phải được cảnh báo trên nhãn hiệu của bình chữa cháy (xem 10.2).
5.2. Khí đẩy
Khí đẩy nén trực tiếp vào bình chữa cháy hoặc nén vào chai khí đẩy phải là không khí, khí acgon, cac bon đioxit, heli hoặc nitơ hoặc hỗn hợp của các khí này có điểm sương lớn nhất – 55oC. Các chất đánh dấu không cháy được có thể được bổ sung vào khí đẩy để dễ dàng phát hiện ra rò rỉ. Tỷ lệ phần trăm của chất đánh dấu phải do nhà sản xuất chỉ định và được kiểm tra với phòng thử nghiệm, trừ trường hợp khí đẩy dùng cho bình chữa cháy có khí đẩy nén trực tiếp dùng chất chữa cháy gốc nước không cần phải đáp ứng điểm sương nêu trên.
5.3. Yêu cầu về nạp
5.3.1. Hệ số nạp
Hệ số nạp lớn nhất đối với các bình chữa cháy dùng cac bon đioxit không được vượt quá 0,75 kg/L. Hệ số nạp đối với các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy sạch không được vượt quá các giá trị được cho trong phần thích hợp của TCVN 7161 và ISO 14520.
CHÚ THÍCH: Các hệ số nạp nêu trên có thể tuân theo các quy định của nhà nước về bình chịu áp lực.
5.3.2. Dung sai nạp
Lượng nạp thực của một bình chữa cháy phải là lượng nạp danh nghĩa trong các giới hạn sau:
a) Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước 0 % đến 5 % thể tích.
b) Bình chữa cháy dùng bột:
Lượng nạp danh nghĩa 1 kg: ± 5 % khối lượng.
Lượng nạp danh nghĩa > 1 kg nhưng < 3 kg: ± 3 % khối lượng. Lượng nạp danh nghĩa 3 kg: ± 2 % khối lượng.
c) Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy sạch: 0 % đến 5 % khối lượng.
d) Bình chữa cháy dùng cac bon đioxit: 0 % đến 5% khối lượng.
5.3.3. Lượng nạp
Lượng nạp cho các bình chữa cháy được khuyến nghị như sau:
– Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước 2l, 3l, 6l, 9l.
– Bình chữa cháy dùng bột: 1 kg, 2 kg, 3 kg, 4 kg, 6 kg, 9 kg, 12 kg
– Bình chữa cháy dùng CO2: 2,5 kg.
– Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy sạch: 1 kg, 2 kg, 4 kg, 6 kg
6. Yêu cầu về áp suất đối với các bình chữa cháy áp suất thấp
6.1. Áp suất thử
Áp suất thử pt đối với các bình chữa cháy áp suất thấp phải là 1,43 x pms nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được nhỏ hơn 2 MPa 1) (20 bar).
6.2. Áp suất nổ nhỏ nhất
Áp suất nổ nhỏ nhất, pb đối với các bình chữa cháy áp suất thấp phải là 2,7 x pms nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được nhỏ hơn 5,5 MPa (55 bar).
7. Yêu cầu về tính năng hoạt động chung
7.1. Nhiệt độ làm việc
Các bình chữa cháy phải có khả năng làm việc tin cậy ở một trong các phạm vi nhiệt độ sau:
+5o C đến +60 oC.
-5o C đến +60 oC.
-10o C đến +60 oC.
-20o C đến +60 oC.
-30o C đến +60 oC.
-40o C đến +60 oC.
-55o C đến +60 oC.
1) 1 bar = 100kPa = 0,1 MPa. 1Pa = 1 N/m2
Phạm vi nhiệt độ được chọn từ các dãy trên phải được ghi trên bình chữa cháy (xem 10.2.1.5).
Đối với các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước không có bất cứ sự bảo vệ chống đóng băng nào thì nhiệt độ làm việc nhỏ nhất phải là 5o C.
7.2. Thời gian phun nhỏ nhất có hiệu quả và tầm phun xa
7.2.1. Bình chữa cháy loại A
Thời gian phun nhỏ nhất có hiệu quả của các bình chữa cháy loại A không được nhỏ hơn 8 s. Các bình chữa cháy loại 2A hoặc cao hơn phải có thời gian phun nhỏ nhất là 13 s.
7.2.1.1. Yêu cầu
Khi thử ba bình chữa cháy xách tay phù hợp với 7.2.1.2, khoảng thời gian hoạt động của mỗi bình phải ở trong khoảng ± 3s của giá trị trung bình đối với các bình chữa cháy dùng bột chữa cháy và trong khoảng 15 % của giá trị trung bình đối với các bình chữa cháy khác nhưng giá trị thời gian không được nhỏ hơn giá trị nhỏ nhất đã quy định
7.2.1.2. Phương pháp thử
Thực hiện thử nghiệm các bình chữa cháy xách tay trong 5 min sau khi được lấy ra khỏi nhiệt độ ổn định hóa. Bảo quản các bình chữa cháy xách tay dùng để thử ở vị trí thẳng đứng trong thời gian ít nhất là 18 h ở nhiệt độ 20 oC ± 5 oC trước khi thực hiện các thử nghiệm và duy trì nhiệt độ trong phạm vi này tới khi được thử như dưới đây:
a) Cân bình chữa cháy.
b) Giữ bình chữa cháy ở vị trí làm việc bình thường của nó (nghĩa là giữ bằng tay) và để cho bình đứng yên trong quá trình thử.
c) Đối với các bình chữa cháy có chai khí đẩy được trang bị một van điều khiển cuối cùng và một hệ thống kích hoạt độc lập, nén tăng áp với van điều khiển cuối cùng được đóng kín. Mở van điều khiển cuối cùng này 6 s sau khi bắt đầu nén tăng áp bình chữa cháy.
d) Đối với các bình chữa cháy có chai khí đẩy với sự kích hoạt được thực hiện bằng tác động đơn giản, chọc thủng chai khí đẩy và đóng kín van điều khiển ngay lập tức trong thời gian 6 s, sau đó lại mở van điều khiển.
e) Đối với các bình chữa cháy được kích hoạt chỉ bằng một thao tác van điều khiển, mở van điều khiển và giữ van này ở vị trí mở trong quá trình thử.
f) Đo và ghi lại thời gian từ lúc mở van điều khiển cuối cùng đến lúc bắt đầu phun. Đo và ghi lại thời gian phun có hiệu quả.
g) Đối với các bình chữa cháy dùng khí, cân lại, sau đó tính toán và ghi lại lượng nạp còn lại. Đối với tất cả các bình chữa cháy khác cân lại, làm cạn chất chữa cháy còn lại, sau đó cân lại hoặc đo và ghi lại sự thay đổi của chất chữa cháy còn lại.
Tất cả các bình chữa cháy xách tay phải hoạt động trong 4s sau khi van điều khiển cuối cùng được mở.
7.2.2. Bình chữa cháy loại B
Thời gian phun nhỏ nhất có hiệu quả của các bình chữa cháy loại B không được nhỏ hơn giá trị thích hợp cho trong Bảng 1.
7.2.2.1. Yêu cầu
Khi thử ba bình chữa cháy xách tay phù hợp với 7.2.2.2, khoảng thời gian hoạt động của mỗi bình phải ở trong khoảng ± 3 s của giá trị trung bình đối với các bình chữa cháy dùng bột chữa cháy và trong khoảng 15 % của giá trị trung bình đối với các bình chữa cháy khác nhưng giá trị thời gian không được nhỏ hơn giá trị nhỏ nhất đã quy định.
7.2.2.2. Phương pháp thử
Thực hiện thử nghiệm các bình chữa cháy xách tay trong 5 min sau khi được lấy ra khỏi nhiệt độ ổn định hóa. Bảo quản các bình chữa cháy xách tay dùng để thử ở vị trí thẳng đứng trong thời gian ít nhất là 18 h ở nhiệt độ 20o C ± 5o C trước khi thực hiện các thử nghiệm và duy trì nhiệt độ trong phạm vi này tới khi được thử như dưới đây.
a) Cân bình chữa cháy.
b) Giữ bình chữa cháy ở vị trí làm việc bình thường của nó (nghĩa là giữ bằng tay) và để cho bình đứng yên trong quá trình thử.
c) Đối với các bình chữa cháy có chai khí đẩy được trang bị một van điều khiển cuối cùng và một hệ thống kích hoạt độc lập, nén tăng áp với van điều khiển cuối cùng được đóng kín. Mở van điều khiển cuối cùng này 6s sau khi bắt đầu
nén tăng áp bình chữa cháy.
d) Đối với các bình chữa cháy có chai khí đẩy với sự kích hoạt được thực hiện bằng tác động đơn giản, chọc thủng chai khí đẩy và đóng kín van điều khiển ngay lập tức trong thời gian 6 s, sau đó lại mở van điều khiển ra.
e) Đối với các bình chứa cháy được kích hoạt chỉ bằng một thao tác của van điều khiển, mở van điều khiển và giữ van này ở vị trí mở trong quá trình thử.
f) Đo và ghi lại thời gian từ lúc mở van điều khiển cuối cùng đến lúc bắt đầu phun. Đo và ghi lại thời gian phun có hiệu quả.
g) Đối với các bình chữa cháy dùng khí, cân lại, sau đó tính toán và ghi lại lượng nạp còn lại. Đối với tất cả các bình chữa cháy khác, cân lại, làm cạn chất chữa cháy còn lại, sau đó cân lại hoặc đo và ghi lại sự thay đổi của chất chữa cháy còn lại.
Tất cả các bình chữa cháy xách tay phải hoạt động trong 4 s sau khi van điều khiển cuối cùng được mở.
…/.
Xem thêm các TCVN khác
Bấm vào đây để xem toàn bộ các sản phẩm bình chữa cháy xách tay.
Truy cập mục này để xem và cập nhật các tiêu chuẩn về phòng cháy & chữa cháy mới nhất.
Liên hệ hỗ trợ:
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thành Phố Mới
- Hotline: 0988 488 818
- Điện thoại: 0274 222 5555
- Email: thanhphomoi.co@gmail.com
- Địa chỉ: Số 09, Đường Số 7B, Khu 03, P. Hoà Phú, Thủ Dầu Một, Bình Dương

➥ Hotline tư vấn – Mua hàng: 0274.222.5555